Ra mắt từ năm 1979, Alien có thể xem là một trong thương hiệu kinh dị lâu đời và nổi tiếng bậc nhất thế giới. Sau 45 năm và 9 phần phim, series vẫn giữ được sức hút mỗi khi ra rạp. Lý do nằm ở cách mà Ridley Scott đã tạo ra con quái vật quá đáng sợ cũng như cách mà nó khủng bố các nạn nhân sau hàng chục năm vẫn mang lại hiệu quả. Hàng loạt bí mật rùng rợn đằng sau Alien cũng là yếu tố vô cùng thú vị mà các fan muốn khám phá.
Giống loài Xenomorph được thiết kế để nam giới sợ hãi
Xenomorph là một sinh vật độc đáo khi tiến hóa qua nhiều giai đoạn khác nhau, dễ thấy nhất là Facehugger, Chestburster và Xenomorph hoàn chỉnh. Cả ba phiên bản này đều do nhà mỹ thuật chuyên thiết kế những con quái vật kỳ dị H. R. Giger dựa trên bức phác thảo Necronom IV. Trong khi các phim kinh khác chỉ muốn hù dọa phụ nữ, Alien đã tiến xa hơn khiến cả đàn ông cũng phải khó chịu và sợ hãi.
Việc Facehugger cấy phôi vào nạn nhân theo đường miệng được thực hiện như một vụ tấn công tình dục. Sau đó, Chestburster phá lồng ngực nạn nhân chui ra ngoài. Hình dạng Xenomorph giống con người nhưng không phải người và không có giới tính rõ ràng. Tất cả đều nhằm mục đích khiến cả nam giới cũng cảm thấy bất an trước con quái vật khát máu.
Cảnh Chestburster phá lồng ngực vô cùng rùng rợn
Một trong những cảnh kinh điển của thương hiệu là khi Chestburster phá lồng ngực của Kane (John Hurt) chui ra ngoài. Để thể hiện đoạn này, đoàn làm phim đã tạo ra một cơ thể giả, đặt nó lên bàn và John Hurt nằm dưới gầm bàn với đầu, vai và cánh tay thò ra qua các lỗ trên mặt bàn. Cơ thể giả này được nhồi đầy ruột động vật và một khẩu pháo khí nén nhỏ. Khi kích hoạt khẩu pháo, nó nổ tung, máu và ruột đổ ra khắp nơi và họ đẩy mô hình quái vật lên từ dưới gầm bàn.
Để tạo ra cảm giác sốc và kinh hoàng cho các nhân vật, Ridley Scott cố tình không cho một số diễn viên biết về những gì sắp xảy ra. Kịch bản nói rằng có thứ gì đó sẽ chui ra từ ngực Kane, nhưng ngoài John Hurt thì không diễn viên nào biết thêm điều gì. Vẻ mặt kinh hoàng của Lambert khi cô bị phun máu là phản ứng thực sự của nữ diễn viên Veronica Cartwright, Sigourney Weaver cho biết cô nghĩ John Hurt thực sự có thể sắp chết và cô chỉ nhập vai vì không ai hét “cắt”. Yaphet Kotto – người đóng vai Parker – cho biết anh đã về nhà đêm đó trong trạng thái sốc. Anh nhốt mình trong phòng tắm và từ chối nói chuyện với vợ trong 4 giờ.
James Cameron xém nữa không phải là đạo diễn của Aliens (1986)
Sau sự thành công của Alien (1979), Fox rất nóng lòng muốn làm phần tiếp theo ngay nhưng phải đến 1983 thì phần phim mới được thảo luận để sản xuất. Lúc này James Cameron thậm chí chưa cầm trịch một bộ phim lớn nào và chỉ mới trong quá trình làm kịch bản cho The Terminator (Kẻ Hủy Diệt). Kịch bản này vô tình được giám đốc sản xuất của Aliens là Walter Hill đọc và Hill đã quyết định đưa James Cameron về làm đạo diễn cho Aliens.
Kịch bản của Aliens (1986) được Cameron hoàn thành trong thời gian ông quay The Terminator và Aliens cũng thành công rực rỡ như phần trước đó, góp phần tạo nên tên tuổi lừng lẫy của James Cameron trong thể loại phim khoa học viễn tưởng.
Ca khúc kinh điển được sử dụng lại trong Alien: Romulus
Trong một cảnh phim của phần Alien đầu tiên, Ripley (Sigourney Weaver) phải mặc đồ du hành vũ trụ và đối mặt với con quái vật. Để tự trấn an trước nỗi sợ, cô đã hát ca khúc You Are My Lucky Star. Đạo diễn Ridley Scott tiết lộ đây là ý tưởng của chính Sigourney Weaver và cả đoàn phim phải rất vất vả mới có được bản quyền bài hát.
Cuối cùng thì cảnh quay trở thành một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất phim. You Are My Lucky Star được sử dụng lại trong Alien: Romulus như một sự gợi nhắc đến phong cách kinh dị của phần đầu tiên cũng như liên kết về mặt thời gian.
Alien: Romulus có một tạo hình Xenomorph mới
Xuyên suốt các phần Alien, tạo hình Xenomorph có ít nhiều sự thay đổi. Lý do được cho là bởi Chestburster sẽ kết hợp gen của mình và nạn nhân để tạo ra một con Xenomorph riêng. Alien: Romulus lấy cảm hứng thiết kế từ phần đầu tiên và có một số thay đổi nhỏ. Xenomorph mới này có phần đầu hình vòm, với hộp sọ người hơi lộ ra và có hốc mắt bên dưới. Nó có da thịt hơn và chảy nước dãi, gợi nhớ đến Alien: Resurrection (1997).
Alien: Romulus cũng giới thiệu một loại Facehugger mới. Chúng tấn công theo bầy đàn, áp đảo bất kỳ đối thủ nào trong thời gian ngắn và thậm chí có thể đuổi theo nạn nhân. Chúng có màu nâu sẫm, tương tự như Queen Facehugger trong Alien 3 (1992). Ống vòi mà chúng nhét vào cổ họng nạn nhân đặc biệt dày, có thể nhìn thấy trong một cảnh phim. Facehugger này còn có móng giống người ở đầu ngón tay, khiến chúng có vẻ ngoài đặc biệt đáng sợ.
Alien: Romulus có một cảnh khủng khiếp đến mức không ai dám xem
Đạo diễn Fede Álvarez của Alien: Romulus nổi tiếng với những bộ phim rùng rợn, hình ảnh đáng sợ như Evil Dead (2012) hay Don’t Breathe (2016). Anh được kỳ vọng là sẽ mang đến làn gió mới cho thương hiệu sau 7 năm vắng bóng. Alien: Romulus từng được lên kế hoạch phát sóng trực tuyến trên HULU nhưng nhà sản xuất đã quyết định chuyển sang chiếu rạp. Đạo diễn Ridley Scott hết lời ca ngợi bộ phim dù mới chỉ được xem phiên bản nháp chưa qua xử lý kỹ xảo.
Nữ diễn viên Isabela Merced chia sẻ trong lúc ngồi nghịch máy tính bảng của Fede Álvarez, cô vô tình xem được một cảnh ghê tởm đến mức cả mình và những thành viên ê-kíp đang “xem ké” phía sau đều phải quay mặt đi và không dám coi tiếp. Alien: Romulus có vẻ sẽ là một trong những phim thuộc hàng đáng sợ nhất cả thương hiệu từ trước đến nay.
Hầu hết bộ phim Alien: Romulus được quay thật và không dùng font xanh
Sử dụng font xanh và CGI để quay phim có vẻ không còn là một điều lạ lùng ở Hollywood, đặc biệt với một bộ phim kinh dị, viễn tưởng như Alien. Thế nhưng trong những phỏng vấn gần đây, đạo diễn Fede Álvarez khẳng định: “Chỗ nào có thể quay được tôi đều cố gắng hết sức để quay tự nhiên và không sử dụng công nghệ CGI. Set quay thậm chí không có font xanh. Nếu bạn ở trên set quay bạn có thể sẽ lạc lối trong đấy luôn.”
Trong Alien: Romulus, những cảnh quay trong trạm không gian dài dằng dặc đầy tăm tối, với những con quái vật khát máu ẩn nấp, thậm chí những cảnh lơ lững của vật thể, con người đều là những cảnh quay chân thật, tiếp nối di sản kinh dị đặc sắc tuyệt vời của cả franchise này. Đạo diễn Fede Álvarez còn nói thêm: “Hollywood giờ đang trở nên lười nhác, họ sử dụng CGI không phải tại rẻ, mà tại nó nhanh hơn thôi.”
Alien: Romulus (Tựa Việt: Quái Vật Không Gian: Romulus) dự kiến khởi chiếu toàn quốc từ ngày 16.08.
Thanh Tuân