Tối ngày 25/12, nhạc sĩ Hoài An cũng với một ê kíp sản xuất “đồ sộ” đã chính thức giới thiệu MV Chúc Xuân đến người yêu nhạc. Đây là một ca khúc hay về Mùa Xuân được nhạc sĩ Hoài An phổ nhạc từ bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Lâm Xuân Thi – một người có tình yêu nghệ thuật đặc biệt.

MV Chúc Xuân có thể nói quy tu rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, và một dàn những người đồng hành nổi tiếng. MV Chúc Xuân là sản phẩm được nhạc sĩ Hoài An cùng nhà thơ Lâm Xuân Thi ấp ủ từ lâu, với hy vọng gửi tới người yêu nhạc một MV hay nhân Tết sắp tới. Về phần âm nhạc có lẽ là quan trọng nhất, Nhạc sĩ Hoài An đã mang thật nhiều các loại nhạc cụ Dân tộc vào phần hoài âm, cũng như có sự kết hợp với nhạc sĩ Duy Lương.

Điều gì đã khiến Nhạc sĩ Hoài An có ý tưởng kết hợp nhạc cụ dân tộc vào ca khúc mới của mình?
Từ đầu những năm 2000 tôi đã bắt đầu sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống cũng như nhạc cụ dân tộc vào trong các sáng tác cũng như phần hoà âm phối khí. Tuy nhiên từ 2013 đến nay thì hướng đi này ngày càng rõ nét và trở thành “ưu tiên” trong âm nhạc của tôi.
Anh có thể nói rõ hơn sự kết hợp nhạc cụ dân tộc vào Chúc Xuân?
Tôi luôn mong muốn có sự xuất hiện của các nhạc cụ dân tộc trong một clip nhạc Tết, với các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu. Trong Chúc Xuân, chúng tôi cố gắng làm chuẩn từ phần hoà âm phối khí, thu âm, hậu kỳ âm thanh, cũng như phần ghi hình, hậu kỳ video… sao cho hay và đẹp nhất.

Từ ý tưởng đến hoàn thiện sản phẩm, xin nhạc sĩ Hoài An chia sẻ thêm về những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện?
Khó khăn nhất là thời gian của các nghệ sĩ. Do thời điểm ghi âm ghi hình gần cuối năm, nên lịch các anh chị kẹt liên tục. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết không thuận lợi, như mưa rải rác, ngày ít nắng, cũng ảnh hưởng đến việc ghi hình.
Được biết ca khúc “Chúc Xuân” ngoài nhạc cụ dân tộc còn có sự xuất hiện của violin, anh có hơi “tham lam” không khi kết hợp “Tây và Ta” như vậy?
Trong một MV nhiều màu sắc như Chúc Xuân, mỗi sự xuất hiện đều được tính toán sao cho có điểm nhấn, sự khác biệt. Ca – nhạc sĩ Hiền Lê thường hát và biểu diễn Violin kết hợp, nên chúng tôi đưa câu Violin ngắn vào sau phần hát của cô để giới thiệu “Vĩ cầm ca” cho thêm phần sinh động.

Vì sao anh không tự thực hiện quá trình hoà âm phối khí cùng em trai mình là NS. Võ Hoài Phúc mà lại tin tưởng hợp tác cùng Nhạc sĩ Duy Lương?
Duy Lương là nhạc sĩ trẻ tôi thường gởi bài gần đây. Trong các bản hoà âm Duy Lương thực hiện, tôi ấn tượng phần groove rất chắc và sống động. Với Chúc Xuân, chúng tôi có 9 ngày để sản xuất cả audio và video, khối lượng công việc đồ sộ khi riêng thành phần nghệ sĩ trực tiếp quay hình đã là 30 người (25 ca sĩ, 5 nhạc sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc), và ekip thực hiện cũng hơn 30 người (6 tổ máy và đội ngũ sản xuất). Với cả 2 lý do: đã từng làm việc với Ns Duy Lương, và vai trò kết nối sản xuất chung, việc tôi tin tưởng giao bài lớn cho Ns Duy Lương là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Các nhạc sĩ trong ê kíp sản xuất phần âm nhạc chia sẻ thêm về cảm việc tham gia với MV “Chúc Xuân” lần này là một cơ hội mang văn hoá dân tộc đến gần hơn với công chúng như thế nào

NSUT Đinh Linh: Dự án này rõ ràng có sự đóng góp tích cực vào việc quảng bá nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Rất cảm ơn các bạn xây dựng dự án và mong ngày càng nhiều hơn những tác phẩm thế này trong tương lai. Thân mến!

NSUT Hải Phượng: Tôi hy vọng rằng Tết năm nay và nhiều năm sau nữa sẽ được nghe những giai điệu mang màu sắc dân tộc và hiện đại như thế này. Chúc MV thành công và hẹn gặp lại ở các tác phẩm tiếp theo.

NS Cao Hồ Nga: Việc các nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc tham gia vào các dự án âm nhạc luôn là cơ hội tốt để lan toả và đến gần hơn với công chúng! Mong có nhiều tác phẩm, nhiều ca khúc kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và hiện đại mạnh hơn nữa để các bạn trẻ và công chúng ngày càng biết đến nhạc âm nhạc dân tộc và đón nhận tự nhiên!
Thanh Tuân