Trong chương trình Kính Đa Chiều, vận động viên thể hình Phạm Văn Mách thừa nhận sâu trong thâm tâm cảm thấy thiệt thòi về sức hút so với một cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Vì khán giả có thể thấy rõ kết quả thắng thua của bóng đá hay các bộ môn thể thao khác trong khi thể hình đòi hỏi người xem phải có hiểu biết nhất định.
Trong tập 98 chương trình Kính Đa Chiều, lực sĩ Phạm Văn Mách giải thích cách thi đấu trong bộ môn thể hình. Theo nam vận động viên, trong một cuộc thi thể hình hầu như các lực sĩ đều có thể hình giống nhau khi có ngực to, bụng sáu múi. Tuy nhiên đối với người có chuyên môn về hình thể thì sẽ chấm điểm dựa trên 4 tiêu chí gồm: hình thể tự nhiên, độ to của cơ bắp, độ sắc nét của cơ bắp và phong cách biểu diễn.
Trong đó, tiêu chí hình thể tự nhiên yêu cầu cơ thể cân đối, hài hòa, không có sự chênh lệch như chân ngắn lưng dài hay tay dài chân ngắn. Đối với tiêu chí thứ hai, vận động viên thể hình phải có cơ bắp to và phát triển đều ở tất cả các nhóm cơ. Một lực sĩ không thể có hình thể quá gầy gò. Riêng tiêu chí về độ sắc nét của cơ bắp đòi hỏi sự định hình rõ ràng của các nhóm cơ, sớ cơ bắp. Vận động viên thể hình phải làm sao để người xem có thể thấy được “độ bén” của cơ bắp qua từng sớ cơ.
Phong cách biểu diễn là tiêu chí cuối cùng và không kém phần quan trọng. Một vận động viên có cơ bắp đẹp nhưng không biết cách biểu diễn thì khó có thể ghi được điểm cao. Trên sân khấu, phong cách biểu diễn bao gồm cách tạo dáng, sự tự tin và khả năng thể hiện cơ bắp một cách đẹp nhất. Một vận động viên thể hình giỏi không chỉ có cơ bắp mà còn phải biết cách làm nổi bật lợi thế này qua từng động tác, từng tư thế. Phong cách biểu diễn của vận động viên hình thể như lực sĩ Phạm Văn Mách miêu tả khiến đạo diễn Lê Hoàng liên tưởng đến những diễn viên điện ảnh có ngoại hình xinh đẹp nhưng không thể diễn xuất.
Trước thắc mắc của host chương trình về sự tương đồng về vẻ ngoài của các vận động viên thể hình khi đứng chung sân khấu, lực sĩ Phạm Văn Mách cho rằng khi nhìn kỹ, giám khảo chuyên môn sẽ nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt. Lực sĩ Phạm Văn Mách lấy ví dụ trong 10 vận động viên thể hình biểu diễn trên sân khấu thì có thể cơ bắp giống nhau nhưng nhìn tổng thể về độ sắc nét thì sẽ có những người nổi bật hơn với đường nét gân guốc.
Bên cạnh đó, lực sĩ phải thể hiện được 7 động tác quy định một cách hoàn hảo nhất. “Ví dụ phô diễn nhóm cơ xô thì vận động viên thể hình phải có độ to, độ cong, độ dài hay thực hiện tạo dáng số 4 tức cơ lưng thì phải đủ đường nét, cơ hình thang phải rõ,… Đôi khi chỉ một lần so sánh thì giám khảo đã nhìn thấy điều đó”, lực sĩ Phạm Văn Mách cho biết.
Đạo diễn Lê Hoàng thắc mắc về việc có hay không sự thiên vị, không công bằng trong bộ môn hình thể khi chứa đựng nhiều yếu tố cảm tính? Lực sĩ Phạm Văn Mách thừa nhận có sự cảm tính trong việc chấm điểm của giám khảo.
Lực sĩ Phạm Văn Mách cho biết, giữa các vận động viên thể hình có thể hơn nhau về phong cách biểu diễn hoặc thái độ biểu diễn trên sân khấu. Nam khách mời lấy ví dụ vận động viên có cơ đẹp nhưng khi gồng lại nhăn nhó hoặc không tạo được sự tự tin trước mọi người thì đó là một điểm trừ. Ngược lại, một vận động viên có thể kém hoàn hảo hơn nhưng với phong thái biểu diễn tự tin và vui vẻ thì đó lại là một điểm cộng vì tạo được cảm tình với người khác.
Khi được hỏi về sức hút của lực sĩ Phạm Văn Mách – người 6 lần vô địch thể hình thế giới khó có thể so với một cầu thủ bóng đá nổi tiếng, nam vận động viên thể hình thổ lộ sâu thẳm trong thâm tâm anh cảm thấy có chút thiệt thòi.
Lực sĩ Phạm Văn Mách tâm sự: “Cũng cố gắng như nhau, cũng tốn thời gian, công sức, nhiều tiền cho dinh dưỡng, các thực phẩm chức năng nhưng đổi lại sự quan tâm có giới hạn. Bóng đá là môn thể thao vua nên ai cũng có thể cảm nhận được khi cầu thủ sút vào vì thắng thua rõ rệt, do đó ai cũng có thể đồng cảm. Đối với môn thể hình thì phải hiểu vận động viên này đẹp hơn vận động viên khác điểm nào và phong cách biểu diễn của vận động này hơn người khác chỗ nào”.
Có thể thấy, môn thể hình dù không có lượng khán giả lớn như bóng đá hay các môn thể thao khác nhưng vẫn đòi hỏi nhiều sự đam mê và cống hiến. Các vận động viên thể hình phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vào việc luyện tập và dinh dưỡng. Trớ trêu thay, vận động viên thể hình thường không nhận được sự quan tâm và cổ vũ từ công chúng như bộ môn bóng đá hay điền kinh.
Sở dĩ thể hình là bộ môn kén khán giả vì người xem thường không hiểu rõ về thể thức thi đấu của thể hình. Nếu như khán giả có thể dễ dàng nhận ra chiến thắng trong một trận bóng đá hay cuộc đua thì với thể hình, sự khác biệt giữa người thắng và người thua thường không rõ ràng. Điều này khiến cho môn thể hình ít thu hút được sự quan tâm từ khán giả so với các môn thể thao khác.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Khác biệt thế hệ cầu thủ Việt Nam với host Lê Hoàng và cựu danh thủ Hồng Sơn sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 3/6 trên kênh VTV9.
Hoàng Nhật