Lời cảnh báo: Bẫy lừa “hỗ trợ” chuyển tiền

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Nhiều biến chứng khi lạm dụng Corticoid trong điều trị bệnh xương khớp, Bẫy lừa “hỗ trợ” chuyển tiền.

Nhiều biến chứng khi lạm dụng Corticoid trong điều trị bệnh xương khớp

Sống chung với bệnh “gút” 10 năm, bệnh nhân phụ thuộc vào Corticoid trong điều trị bệnh xương khớp dẫn đến hậu quả khiến bệnh không giảm lại còn trở nặng và kèm theo các triệu chứng như: sốt cao, tụt huyết áp, mệt mỏi,…

Theo lời chia sẻ của người nhà bệnh nhân: “Mỗi lần đau ông hay ra mua thuốc ngoài cửa hiệu, có dùng giảm đau medon nhưng bệnh không giảm lại càng trở nặng. Đi khám bác sĩ bảo lạm dụng thuốc giảm đau nên mặt bị phù”. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa, suy tuyến thượng thận, đái tháo đường do lạm dụng Corticoid trong điều trị xương khớp nên cần điều trị để loại trừ tổn thương.

Bác sĩ Lê Thị Hải Hà cho biết, Corticoid như một con dao hai lưỡi, có tác dụng để điều trị bệnh nhưng rất nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương, viêm loét dạ dày,…

Corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng và ức chế miễn dịch được áp dụng trong điều trị của nhiều khoa khác nhau như khớp, dị ứng, thận, hô hấp… Corticoid là loại thuốc hiệu quả trong điều trị, nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe làm ức chế sự phát triển xương, sụn dẫn đến chậm phát triển chiều cao đối với trẻ em. Sau thời gian dài dùng thuốc và ngưng sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng suy thượng thận qua các biểu hiện như: chán ăn, buồn nôn, sụt cân,…

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng (Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Corticoid có tác dụng giảm đau, chống viêm rất tốt nhưng mang lại rất nhiều biến chứng, tác dụng phụ có thể nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Các bệnh nhân đến với chúng tôi thường là những bệnh nhân ở giai đoạn muộn đã có nhiều biến chứng. Ngoài ra các bệnh nhân còn dùng các biện pháp để can thiệp như: dùng nhiệt, tiêm, cho ong đốt,.. gây chảy máu dẫn đến các hậu quả nhiễm trùng không thể hồi phục”.

Bệnh nhân có thể dựa vào kí hiệu để phân biệt thuốc có chứa Corticoid, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về thành phần thuốc, công dụng, cách dùng, tác dụng phụ, hạn sử dụng trước khi sử dụng, nên sử dụng thuốc có chứa Corticoid khi có sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Bẫy lừa “hỗ trợ” chuyển tiền

Khi thấy bài đăng giới thiệu về việc rút tiền từ thẻ tín dụng, hỗ trợ chuyển tiền trên mạng xã hội với nhiều ưu đãi hấp dẫn, chị H đã từng bước rơi vào bẫy của kẻ gian, theo lời kể của chị H: “Khi rút tiền từ thẻ tín dụng, ngân hàng lấy lãi 20% nhưng ở đây chỉ lấy 1%, họ gửi website bảo mình viết đầy đủ thông tin trên thẻ, sau khi ngân hàng gửi OTP họ bảo mình gửi lại cho họ và yêu cầu mình nâng hạn mức vay để rút nhanh hơn. Lần khác họ bảo mình tiếp tục nâng hạn mức, mình nhận thấy được chiêu trò và không làm theo thì họ đã chặn mình sau khi không thuyết phục được mình”.

Một nạn nhân tiếp theo tiếp tục lao vào kịch bản của những kẻ lừa đảo, “Mình nghĩ là dịch vụ đàng hoàng nên mình liên hệ hotline trên website thì có người tự nhận là nhân viên rút thẻ tín dụng yêu cầu kết bạn zalo để được hướng dẫn. Họ gửi cho mình đường link để điền thông tin sau khi kết bạn để rút tiền, lúc đầu mình nghi ngờ nhưng do cần tiền gấp nên mình đã nhập. Sau khi nhập thì mình nhận được kết quả từ người đó và mình bị mất 30 triệu đồng”.

Hiện nay có nhiều dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền mặt từ thẻ tín dụng với mức phí thấp và hạn mức rút cao. Tuy nhiên, khách hàng cần cảnh giác vì dịch vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo tài chính, kẻ gian sẽ sử dụng thông tin để rút hết 100% hạn mức và sau đó biến mất.

Thạc sĩ Nguyễn Đỗ Bích Nga (Bộ môn Tài chính Ngân hàng, Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho biết, khi sử dụng dịch vụ rút tiền online từ thẻ tín dụng về thẻ ATM, khách hàng sẽ có nguy cơ gặp phải rủi ro về mất tiền và để lộ thông tin, tài khoản thẻ và các thông tin cá nhân. Thẻ tín dụng là khoản vay mà ngân hàng cung cấp cho người dùng mua sắm các dịch vụ, hàng hóa. Khách hàng không mua hàng hóa mà rút tiền mặt tạo nên một giao dịch khống, điều này ngân hàng không khuyến khích.

Luật sư Bùi Trọng Hiển (Giám đốc công ty Luật Bùi Trọng Hiển) cho biết, theo quy định của pháp luật về việc xử phạm hành chính trong lĩnh vực Tiền tệ Ngân hàng, trường hợp rút tiền từ thẻ tín dụng được rút từ người trung gian thứ 3 sẽ bị xử phạt hành chính từ 100 – 150 triệu đồng. Nếu nghi ngờ hành vi trái pháp luật cần báo ngay cho cơ quan công an để được giải quyết.

Hậu quả từ giao dịch này sẽ để lại cho khách hàng những rủi ro như: bị lộ thông tin cá nhân, phát sinh nợ quá hạn và gặp các rủi ro về pháp lý. Thẻ tín dụng là một khoản vay để khách hàng sử dụng giao dịch thanh toán hàng hóa, khách hàng nên cân nhắc việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để tránh những rủi ro về sau.

Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện. Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. 

Hoàng Nhật

Trả lời

*