Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Sống chủ động, có kế hoạch để thành công, Người trẻ và trào lưu làm việc “du mục kỹ thuật số”, Ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống gia đình.
Sống chủ động, có kế hoạch để thành công
Trong cuộc sống, việc chủ động và lên kế hoạch là điều rất quan trọng, điều này giúp chúng ta hạn chế xảy ra sai sót, hoàn thành đúng tiến độ cũng như đảm bảo được chất lượng công việc và dễ đạt được thành công hơn. Tuy nhiên có không ít người trẻ vẫn chưa tập cho mình thói quen này nên ảnh hưởng không ít đến sự thành công và phát triển bản thân, thậm chí là thất bại.
Anh Nguyễn Đình Tiến (TP.HCM) chia sẻ: “Lúc bắt đầu thời gian thực tập thì khá là khó khăn với mình, bởi vì mình chưa bao giờ có kinh nghiệm đi làm. Đặc biệt là mình chưa có kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể và điều đó làm cho mình có hiệu suất làm việc đáng báo động. Nhưng nhờ có các anh chị tại cơ quan giúp đỡ, hỗ trợ nên mình dần cải thiện được việc lập kế hoạch và cải thiện hiệu suất làm việc của mình”.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (Chuyên gia xã hội học) cho biết: “Những bạn trẻ dự định sống có kế hoạch phải rất có ý chí, cầu tiến vì sẽ khá gò bó, cứng nhắc, áp lực và những trở ngại đó sẽ không hề nhỏ chút nào. Nếu muốn sống có kế hoạch thì phải vượt qua những trở ngại này rất nhiều, nhưng một khi vượt qua được thì sẽ đạt được những hiệu quả to lớn và sẽ có những thành công tốt đẹp trong tương lai”.
Từ những hành động nhỏ sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống, một kế hoạch chi tiết và tỉ mỉ giúp chúng ta xác định rõ ràng cách thức để phát triển bản thân một cách hiệu quả. Từ những nỗ lực này, mỗi hoạt động, mỗi giai đoạn trong cuộc sống sẽ mang lại giá trị và gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Sống có kế hoạch và chủ động là một kỹ năng vô cùng quan trọng, khi áp dụng kỹ năng này sẽ giúp bản thân giảm thiểu những rủi ro thất bại và dễ dàng đạt được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân.
Người trẻ và trào lưu làm việc “du mục kỹ thuật số”
Trào lưu làm việc “du mục kỹ thuật số” đang trở nên phổ biến đổi với người trẻ hiện nay. Chỉ cần laptop và internet thì văn phòng làm việc có thể là quán cà phê, ở nhà hoặc ở bất kỳ đâu. Những người trẻ này đa số là người làm việc tự do, hình thức làm việc này mặc dù thoải mái nhưng cũng đứng trước không ít những thử thách.
Chị N.P.T (TP.HCM) chia sẻ: “Sau khi ra trường thì tôi có được nhận vào một công ty truyền thông với mức lương khá ổn định đủ để chi tiêu hàng tháng. Sau khi làm được một thời gian thì tôi cảm thấy khá gò bó, công việc thì lặp đi lặp lại. Lúc đó thì tôi đã có một vài mối quan hệ rồi nên tôi nghĩ đến việc nghỉ việc và làm tự do”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên (Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK) cho biết: “Thứ nhất là các bạn phải có khả năng kỷ luật và quản lý được khối lượng công việc của mình. Thứ hai là các bạn phải có khả năng sử dụng, xử lý các phương tiện kỹ thuật công nghệ tốt. Thứ ba là cách mình giao tiếp với đối phương về việc có kỹ năng giao tiếp vượt trội là một yếu tố rất quan trọng”.
Đi nhiều nơi có thể mang lại cảm hứng làm việc tốt hơn khi ở văn phòng, nhưng đổi lại cũng tốn nhiều chi phí hơn. Do vậy người có thu nhập chưa ổn định cần phải lập kế hoạch rõ ràng, cụ thể rồi mới nên trở thành du mục kỹ thuật số; đồng thời cần trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng nếu không sẽ rất khó để đạt được thành công với hình thức làm việc này.
Ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống gia đình
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mọi người. Giá trị gia đình có thể hình thành từ các sinh hoạt thông thường qua thói quen ứng xử của các thành viên. Tuy nhiên, những giá trị của gia đình ngày nay có nhiều đổi thay do một phần ảnh hưởng của mạng xã hội.
Anh Lê Duy Dương (TP. Hà Nội) chia sẻ: “Cả ngày đi làm rồi nên chiều về có bữa cơm gia đình rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm, chuyện trò vui vẻ thì gắn kết gia đình hơn. Bây giờ về đến nhà mà mỗi người cầm một cái điện thoại thì gần như không có mối giao tiếp trong gia đình với nhau”.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết: “Công nghệ và mạng xã hội giúp cho các thành viên chia sẻ không chỉ bằng chữ viết mà còn bằng hình ảnh, âm thanh. Tất cả những điều đó giúp cho các thành viên ở xa nhau có mối liên lạc nhưng chúng ta thấy là nếu chúng ta quá lạm dụng công nghệ, quá đề cao mạng xã hội mà dựa vào đấy và cho rằng có thể thay đổi thành sự tương tác trực tiếp thì đó có thể là sai lầm”.
Với các gia đình sống chung nhiều thế hệ, việc sẻ chia giữa ông bà, cha mẹ với con cháu là việc cần thiết. Dù có công nghệ, thì mỗi gia đình cũng cần nên giữ được thói quen chia sẻ trong ngôi nhà của mình. Đặc biệt cha mẹ nên làm gương trong việc hạn chế sử dụng điện thoại thông minh khi không cần thiết và nên khuyến khích con sử dụng thời gian vào các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất, thăm bạn bè người thân, tham gia các lớp kỹ năng sống. Sau một ngày làm việc, học tập thì khi về nhà các thành viên gia đình nên cùng nhau làm việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp, quây quần bên bữa cơm gia đình, cùng trao đổi về học hành, công việc và dự định tương lai sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình để mỗi thành viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.
Huỳnh Vy