“Bác sĩ gia đình”: Viêm khớp dạng thấp nguyên nhân và cách điều trị

Chương trình Bác sĩ gia đình phát sóng lúc 12h50 chủ nhật ngày 21/08 trên kênh THVL1 có chủ đề “Viêm khớp dạng thấp nguyên nhân và cách điều trị”. Chương trình có sự tham gia tư vấn của Bác sĩ Trương Văn Tài, Chuyên khoa Vi Phẫu Tạo Hình, Bệnh viện Quốc tế Minh Anh TPHCM và MC Thanh Phương trong vai trò người kết nối.

Sáng sớm, hai chị em rủ nhau tập thể dục tốt cho tim mạch. Em trai thấy chị gái mình tập thể dục quá nhẹ nhàng nên anh lại chỉ cho chị các động tác có nhịp điệu mạnh hơn. Nhưng vô tình anh đã khiến cho chị gái đau đớn vì không biết chị mình đang mắc loại bệnh gì. Nghe thấy tiếng hét đầy đau đớn của người chị, cô em gái nhanh chóng chạy ra ngoài để xem tình hình của chị mình. Thấy người chị đau đớn cô tìm hiểu tình hình và giải thích cho anh trai vì sao chị gái lại đau đớn khi nhấc chân cao: “Sao anh lại nhấc chân chị tư cao như vậy? Anh có biết chị Tư bị cái gì không? Chị Tư đã có tuổi còn bị viêm khớp nặng lắm đó.”

Người chị cùng em trai thắc mắc không biết vì sao em gái mình lại biết, em gái nói: “Sao em không biết cho được, phòng hai chị em mình sát nhau. Buổi tối nào chị chẳng rên rỉ vì đau nhức. Là em biết chị bị viêm khớp rất nặng.” Biết được chị gái bị bệnh, sáng sớm cô em gái ra gặp bà hàng xóm lấy ít lá cây và khẳng định rằng chỉ cần đắp lên những chỗ đau thì rất nhanh sẽ khỏi bệnh. Nghi ngờ về tính xác thực của loại lá em gái mình mang về không rõ nguồn gốc, người anh ngăn cản không muốn chị mình thử những biện pháp chưa có tính xác thực. Để chị và em gái mình hiểu hơn về bệnh viêm khớp dạng thấp, người anh liền nhờ bác sĩ tư vấn.

Giải đáp các thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, Bác sĩ Trương Văn Tài cho biết: “Thường viêm khớp dạng thấp có những biểu hiện như sau người bệnh sẽ bị viêm rất nhiều khớp. Đầu tiên là ở bàn tay hoặc ngón tay sau đó đến khớp gối, khớp bàn chân. Hầu như các khớp trên cơ thể đều viêm cùng một lúc. Biểu hiện đầu tiên thường là cứng khớp vào buổi sáng, người bệnh phải tập luyện một thời gian thì các khớp mới trơn và trở lại bình thường. Những biểu hiện khác như là đau, sưng khớp; những biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, chán ăn. Có những biểu hiện sẽ ảnh hưởng đến màng phổi khiến người bệnh có nhịp thở chậm đi.

Khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp, chủ yếu là do hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta có protein phá huỷ các màng bao khớp. Có nghiên cứu cho thấy sự di truyền có nguy cơ bị cao hơn còn đối với những trường hợp bị dị ứng với môi trường cũng có nguy cơ bị cao hơn.”

Bác sĩ Trương Văn Tài còn cho biết thêm: “Viêm khớp dạng thấp có 4 giai đoạn. Ở giai đoạn nhẹ thì chỉ bị viêm ở các khớp, quá trình viêm nó làm tăng tế bào viêm đến các khớp còn lại, tăng tiết dịch khớp nhiều hơn nhưng chưa ảnh hưởng đến sụn khớp. Ở giai đoạn 2 thì mức độ nặng hơn, tụ nhiều mô viêm nhiều hơn tạo thành những mô xơ trong khớp phá hủy các sụn khớp. Ở giai đoạn 3, sẽ nặng hơn mức độ phá huỷ sụn khớp nặng hơn, phá huỷ những tổ chức quanh khớp và những tổ chức nâng đỡ của khớp. Ở giai đoạn thứ 4, khe khớp sẽ hẹp đi vì mất đi các tổ chức đệm và tổ chức sụn điều đó sẽ làm dính khớp và bị biến dạng.”

“Những lưu ý giúp phòng ngừa và điều trị viêm khớp dạng thấp. Thứ nhất, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá, rượu bia. Thứ hai, chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây, hạn chế thịt đỏ, tránh thức ăn nhiều đường, muối và chất béo. Thứ ba, tập thể dục đều đặn với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, tránh các bài tập có tác động mạnh trong giai đoạn bùng phát cơn đau cấp. Thứ tư, ngồi đúng tư thế, đi lại nhẹ nhàng sau 30 phút, Thứ năm, hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường. Thứ năm, khi có dấu hiệu đau mỏi các khớp người bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời.”

Bác sĩ gia đình được phát sóng định kỳ lúc 12h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.

Linh Linh

Trả lời

*